NÔNG NGHIỆP TUẦN HOÀN CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Bước chân vào nhà máy sản xuất nha đam xuất khẩu của Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) – thành viên thuộc GC Food Group tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi chính là một bức bích họa lớn ở ngay phía trước nhà máy kèm theo câu slogan: “Tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc”. Phía sau bức bích họa đó, mọi thứ thậm chí còn ấn tượng hơn gấp nhiều lần. Đó chính là việc GC Food đã xây dựng được quy trình khép kín, tạo ra vòng đời mới cho các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất.
Giới thiệu về mô hình nông nghiệp tuần hoàn của DN mình, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food Group cho biết, nếu như các công ty khác trồng nho hoặc trồng táo có thể tốn hàng chục triệu đồng phân bón cho mỗi hecta hàng năm thì ở GC Food lượng phân bón vô cơ để sử dụng cho các diện tích nông nghiệp này không đáng kể bởi phần lớn là nguồn phân hữu cơ tự sản xuất từ cỏ lá, nha đam cũng như phân bò, cừu ủ hoai. Điều này đã giúp làm giảm giá thành sản xuất và giá cả đầu ra vẫn tương đương các sản phẩm thông thường.
Ông Hoàng Xuân Hậu, Phó Giám đốc kinh doanh Nông trại Nắng & Gió cho biết, mỗi năm công ty có khoảng gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng từ việc trồng và chế biến nha đam được thải ra. Số phụ phẩm này được thu gom làm men vi sinh và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác (táo, ổi, dưa lưới, rau...) đem lại những sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, số lượng lớn.
Với việc kết hợp trồng trọt, chăn nuôi trong một vòng tuần hoàn khép kín từ nhà máy đến trang trại, ông Thứ cho biết quá trình sản xuất nông nghiệp của công ty hoàn toàn không tạo ra chất thải. “Thời gian qua, giá phân bón vô cơ tăng cao nhưng chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Với tỷ trọng khoảng 20-30% trong giá thành sản xuất, việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh do doanh nghiệp sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, có lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra được sản phẩm sạch và phát triển bền vững” – ông Thứ nhấn mạnh.
Nông nghiệp từ lâu đã là một ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như diện tích đất canh tác, độ phủ của rừng, các vùng lãnh hải, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động dồi dào và chi phí hiệu quả. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và đặc biệt là ngành nông nghiệp phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ đang chú trọng giải quyết một trong những thử thách khó khăn nhất – biến đổi khí hậu – để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững và tiếp tục tỏa sáng, đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam.
Sau khi đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 về cân bằng phát thải, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, đây là chính sách quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam, vạch ra những mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính. Cam kết giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp cũng đã được khẳng định trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt năm 2022.
Đồng hành cùng Chính phủ trong mục tiêu lớn này, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp ngày càng chủ động và nghiêm túc hơn trong phát triển, thực hiện chiến lược bền vững của mình - từ mô hình kinh tế tuần hoàn tới chuỗi cung ứng bền vững. Các doanh nghiệp chú trọng hơn đến nông nghiệp xanh không chỉ để giúp Việt Nam giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về sản phẩm bền vững từ các thị trường xuất khẩu. Theo đó, ngoài GC Food, bức tranh nông nghiệp tuần hoàn của Việt Nam có sự góp mặt của rất nhiều doanh nghiệp, từ những tên tuổi lớn như PAN Group, Vinamilk, TH True Milk, Vinamit, TTC AgriS, Nestlé Việt Nam đến những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Huy Long An, HG Farm và thậm chí có cả những hợp tác xã.
Ông Võ Quan Huy cho biết, việc tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình tuần hoàn không phải là mục tiêu đặt ra ngay từ đầu, mà xuất phát từ yêu cầu cải tạo độ nhiễm phèn của đất để cứu các loại cây trồng. Sau nhiều lần thất bại trong việc dùng hóa chất để rửa phèn, ông nhận thấy rằng dùng phân hữu cơ chính là giải pháp tốt nhất. Đến nay, mô hình nông nghiệp tuần hoàn của trang trại đã chứng minh được hiệu quả một cách toàn diện cả về chất lượng các sản phẩm tạo ra trong chuỗi, tăng giá trị kinh tế và đáp ứng các yêu cầu về môi trường để phát triển bền vững. Hiện, ông Võ Quan Huy cũng đang nhân rộng mô hình này tại các trang trại khác của công ty tại các địa phương khác như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng với nhiều loại cây trồng như chuối, bưởi, bơ…
Mô hình nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH MTV HG Farm trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang cũng là một ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế. Với 4 chuỗi sản phẩm nấm - bò - vịt - lúa cùng nguồn năng lượng xanh từ điện mặt trời, không có nguyên liệu hữu cơ nào bị bỏ quên trong trang trại HG Farm. Tất cả đều được ưu tiên chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi, sau đó mới làm phân bón để tối ưu hóa năng lượng sinh khối.
Khi đã chủ động được nguồn vật tư nông nghiệp nội tại như thức ăn và phân bón, việc canh tác tuần hoàn khép kín tại HG Farm không phát thải, không chất thải, không mùi hôi và không bị biến động theo thị trường “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vịt của HG Farm có giá thành chỉ bằng một phần ba so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Sau khi thu hoạch lúa, rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau củ quả nhiệt đới.